Tái phạm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có bị xử lý hình sự không hay chỉ bị phạt vi phạm hành chính, thì căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
...
Và căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
Tình tiết tăng nặng
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:
...
b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
...
Và căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
...
Và khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau
Phạt tiền
...
4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau:
Áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
1. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
...
b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
...
Căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 thì
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
...
Và căn cứ quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
...
Trường hợp này tùy vào tính chất, mức độ của hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác hay vu khống người khác hay không sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (vấn đề chứng minh tội phạm sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện dựa vào các biện pháp nghiệp vụ của họ).
Trường hợp không có dấu hiệu tội phạm, hành vi không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì anh sẽ bị xử phạt hành chính.
Do khoảng thời gian này chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính anh tiếp tục thực hiện hành vi xúc phạm (hành vi đã bị xử phạt) thì xem là tái phạm.
Mức xử phạt lúc này sẽ trong khoảng từ 2.500.000 đồng (mức trung bình) đến dưới 3.000.000 đồng (mức tối đa) do có tình tiết tăng nặng là tái phạm.
Tái phạm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác bị xử phạt vi phạm hành chính không bị buộc xin lỗi công khai khi nào?
Theo khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm i khoản 4 Điều này;
c) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu;
...
Theo đó, tái phạm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác bị xử phạt vi phạm hành chính không bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có đơn không yêu cầu xin lỗi công khai.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính người tái phạm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính người tái phạm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người là 01 năm theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.