Thời tiết giao mùa, khí hậu thay đổi thất thường tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Hiện nay tại Việt Nam lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B.
Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.
Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác. Vì thế, việc tiêm vacxin phòng cúm phải được tiêm nhắc lại mỗi năm để đảm bảo có hiệu quả với chủng cúm mới. Virus cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, lợn, động vật có vú,… và có thể nhanh chóng lây sang người.
Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
Phòng ngừa cúm A
Có rất nhiều biện pháp phòng ngừa cúm A cho trẻ em và người lớn, tuy nhiên Bộ Y tế khuyến cáo nên thực hiện những biện pháp sau:
• Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: Nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
• Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.
• Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.
• Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
• Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.
Chúc các bạn có sức khỏe thật tốt và trang bị thêm cho mình kỹ năng phòng bệnh mùa Đông Xuân các bạn nhé!